Trên ngực trái của một cô gái trẻ 26 tuổi, có một tấm hình xăm độc đáo. Đó là chữ “My Baby M”, được xăm để dành tặng cho cô con gái Man, 2 tuổi. Tuy nhiên, nếu một người lạ tình cờ nhìn thấy nét chữ lấp ló trên ngực Wang, họ có thể tưởng rằng đó là tên của một người yêu, chữ dành tặng cho thần tượng hoặc một loại mật mã. Với hầu hết người Trung Quốc không biết tiếng Anh, những chữ này trở nên bí ẩn.
Thực tế, sự bí ẩn đó đã khiến rất nhiều người trẻ Trung Quốc chọn xăm chữ tiếng Anh. “Đó mới là thứ mốt”, Wang, một nhân viên tư vấn mua sắm ở Bắc Kinh chia sẻ. “Hiện nhiều người đang xăm hình bằng chữ tiếng Anh”.
Các tiệm xăm nổi tiếng nhất Trung Quốc, ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh Hà Bắc và Quảng Đông, cũng xác nhận rằng xăm chữ tiếng Anh đang là yêu cầu phổ biến nhất hiện nay.
Ví dụ, chuỗi cửa hàng xăm Longyan ở Bắc Kinh, với 330.000 người theo dõi trên blog nhỏ của họ, cho biết hiện có tới 70% khách hàng yêu cầu xăm chữ tiếng Anh, gấp đôi so với năm trước.
Và những người yêu thích xăm chữ tiếng Anh thường chọn làm hình xăm tên người yêu, khẩu hiệu hoặc đoạn thơ mà họ yêu thích. “Hầu hết các hình xăm tiếng Anh chúng tôi đã làm lấy từ bài hát tiếng Anh hoặc tiểu thuyết”, Yang Yi, chủ của cửa hàng xăm Xianglongtang ở Zhongshan, Quảng Đông, cho biết.
Với Wang, cô đã xăm chữ “Big Girls Don’t Cry” trên vai phải, đó là tên một bài hát của nghệ sỹ đương đại Mỹ Fergie. Một khách hàng nam khác lại chọn xăm dòng chữ nhỏ “Love in a Fallen City”, một tiểu thuyết của tác giả Trung-Mỹ Eileen Chang trên lưng. Có người thậm chí còn xăm toàn bộ một khổ thơ, với 12 dòng, 51 từ và 5 dấu chấm giữa cổ tay và phần dưới cánh tay trái.
Xăm chữ tiếng Anh đã trở thành mốt từ một năm trước, khi xăm hình đã được xã hội Trung Quốc chấp nhận hơn. 5 tháng trước, quân đội Trung Quốc đã thay đổi chính sách từ bấy lâu, cho phép tuyển những người có hình xăm mặt và cổ (với đường kính nhỏ hơn 2cm).
Tuy nhiên, vì là trào lưu mới, xăm chữ tiếng Anh cũng đắt hơn, thường cao hơn xăm chữ tiếng Trung với cùng kích cỡ khoảng 30%.
“Việc xăm chữ tiếng Anh không hề dễ”, Long, 34 tuổi, một người gốc ở Hắc Long Giang, chia sẻ. Anh đã mở cửa hàng xăm đầu tiên vào năm 2005.
Do tiếng Anh là ngôn ngữ ngoại vi và thuộc hệ chữ Roman, khác hoàn toàn so với chữ tượng hình của Trung Quốc, cửa hàng xăm đã phải tìm cách để đảm bảo viết chính xác và không mắc lỗi ngữ pháp. Một số cửa hàng có nhân viên biết tiếng Anh, trong khi một số khác có bạn bè hoặc người thân để tham khảo. Nếu không, họ phải tra cứu trên mạng, sử dụng các trang như Baidu và Google Translate.
Tuy nhiên, việc tránh sai lầm hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Ban đầu, Wang muốn xăm một dòng chữ mà Baidu dịch ra là: “My baby is a man”. Nhưng may mắn, tại cửa hàng xăm Longyan vào đêm đó, có một người biết tiếng Anh.
Phan Anh
Theo China Daily